Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chủ nhiệm lớp trong trường mầm non

Lượt xem:

Đọc bài viết

* Giải pháp 1: Tự học bồi dưỡng bản thân.

      Để có thể thực hiện tốt công tác chăm sóc và giáo dục trẻ để từ đó đưa ra

 “Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chủ nhiệm lớp trong trường mầm non” thì bản thân tôi đã đọc và nghiên cứu kỹ chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.

      Bồi dưỡng kĩ năng thiết kế các hoạt động giáo dục theo hướng mở, xây dựng các góc chơi phù hợp, sinh động, sáng tạo thu hút tất cả trẻ đều tham gia hoạt động

  Tôi đã lập kế hoạch, lên nội dung hoạt động theo từng chủ đề, phối kết hợp với đồng nghiệp, phụ huynh vận dụng vào thực tế những kĩ năng quan sát trẻ tốt nhất, tận tình chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ. Nghiên cứu, sưu tầm những nguyên vật liệu tự nhiên phế liệu, thẩu nhựa đã qua xử dụng và xử lý để vệ sinh đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi, chứa đựng đồ dùng đồ chơi sạch, gọn đẹp.

  Tìm đọc tham khảo những cách làm đồ dùng đồ chơi đơn giản trên sách
báo, tạp chí mầm non, xem các video hướng dẫn trẻ sử dụng và sắp xếp đồ dùng đồ chơi sao cho khoa học và hợp lí. Tạo cơ hội cho trẻ được chơi với các đồ chơi. Trẻ tự đề xướng nội dung chơi với các đồ chơi tự tạo.

  Gần gũi, thân thiện, luôn đối xử công bằng với tất cả trẻ.

  Thường xuyên trao đổi, trò chuyện với phụ huynh và những người dân bản địa để học hỏi về ngôn ngữ tiếng Co giúp tôi biết được nhu cầu và tâm sinh lý của tất cả trẻ tại lớp.

          * Giải pháp 2: Quan sát tình hình hoàn cảnh sống, đặc điểm, tâm sinh lý của học sinh và sỉ số lớp học:

         Để hiểu trẻ một cách tốt nhất thì giáo viên phải nắm được một số đặc điểm về tính cách cũng như hoàn cảnh sống của trẻ. Từ đó giáo viên mới có thể đưa ra một số biện pháp giáo dục và chăm sóc tác động phù hợp với độ tuổi và với từng trẻ mà đặc biệt là lớp ghép ba độ tuổi.

       Để hiểu được tất cả tình hình của trẻ thì giáo viên chủ nhiệm phải đi đến từng nhà trẻ để tìm hiểu và trao đổi với phụ huynh về tình hình tâm sinh lý cũng như đặc điểm và thói quen của trẻ, giáo viên có thể quan sát cách sinh hoạt của trẻ tại lớp, theo dõi và giáo dục, chăm sóc trẻ một cách hợp lý nhất.

       Giáo viên chủ nhiệm phải duy trì sỉ số lớp, nếu trẻ không đến lớp thì giáo viên đến nhà, tìm hểu nguyên nhân và vận động trẻ đến lớp để đảm bảo chất lượng cho trẻ

 Qua quá trình quan sát và theo dõi trẻ, giáo viên có thể vận dụng các hình thức tổ chức hoặc các biện pháp giáo dục phù hợp với từng thời điểm.      

        * Giải pháp 3: Quan sát, quản lý để tìm ra nguyên nhân, từ đó chăm sóc và giáo dục trẻ tốt hơn.

       Trong lớp ở trường mầm non đều có sổ điểm danh, trong đó có ghi đầy đủ các thông tin về trẻ như: Họ tên trẻ, ngày tháng năm sinh, họ tên bố, mẹ, nghề nghiệp, nơi làm việc, địa chỉ gia đình.

        Giáo viên phải nắm rõ sỉ số học sinh theo từng ngày để xem xét cháu nào vắng, vắng trong thời gian bao lâu để có biện pháp can thiệp kịp thời và phù hợp như đi vận động các cháu ra lớp và đi đến từng nhà các cháu để tìm hiểu nguyên nhân.

        Giáo viên trong một lớp phải chia trẻ thành hai nhóm để dễ quan sát và chăm sóc. Trong lớp giáo viên luôn quan tâm, theo dõi để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu. Hướng dẫn các cháu tự phục vụ bản thân dưới sự giám sát của cô qua các hoạt động học, vui chơi, ăn, ngủ, vệ sinh.

        Trong quá trình quan sát các hoạt động của trẻ cô ghi chép các đặc điểm đặc biệt của trẻ để đưa ra các biện pháp, phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ một cách hợp lý hơn để trẻ phát triển tốt nhất.

       * Giải pháp 4: Thực hiện xây dựng kế hoạch một cách hoàn thiện và phù hợp với trẻ.

        Trước khi bắt đầu vào năm học mới thì giáo viên kết hợp cùng với nhà trường xây dựng các kế hoạch cụ thể để đưa vào năm học. Từ đó giáo viên xây dựng các kế hoạch năm, kế hoạch chủ đề, kế hoạch tuần, kế hoạch ngày. Trong đó kế hoạch năm của giáo viên phải dựa vào kế hoạch năm học của nhà trường. Trong khi lập kế hoạch thì giáo viên chủ nhiệm phải dựa vào nội dung, kết quả mong đợi, mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD& ĐT ban hành. Và phải dựa vào thời gian quy định trong năm học, điều kiện cơ sở vật chất, tình hình địa phương, nhu cầu và trình độ phát triển của trẻ tại lớp mình phụ trách.

        * Giải pháp 5: Giáo viên đảm bảo an toàn, chất lượng về chăm sóc và giáo dục trẻ.

          Nếu chúng ta đảm bảo chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tốt thì nó là nền tảng và có tác dụng rất lớn cho bậc học tiếp theo của trẻ. Trong giải pháp này thì đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải thật sự là những người có đạo đức, mẫu mực, yêu nghề mến trẻ và luôn là tấm gương sáng cho các cháu noi theo.

          Để đảm bảo thực hiện tốt thì giáo viên chủ nhiệm phải đưa ra những kế hoạch để thực hiện tốt về các mặt như sau:

          + Thực hiện chế độ sinh hoạt: Giáo viên chủ nhiệm phải là người phân bổ hợp lý về thời gian và các hoạt động trong ngày trong trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm, sinh lý của trẻ và có ý nghĩa lớn về giáo dục toàn diện đối với trẻ. Tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương, tùy theo thời tiết các mùa nơi trẻ sinh sống mà giáo viên có thể điều chỉnh thời gian biểu cho phù hợp nhưng phải đảm bảo tính khoa học, hợp lý và phù hợp với sức khỏe của trẻ, đặc biệt là lớp ghép ba độ tuổi. Nội dung sinh hoạt cần phong phú và đa dạng, gần gũi với cuộc sống trên miền núi, có sự cân bằng giữa hoạt động tĩnh và động. Đảm bảo rằng giáo viên bao quát trẻ và cho tất cả các trẻ được tham gia đầy đủ các hoạt động.

        Để đảm bảo chất lượng sinh hoạt của trẻ có hiệu quả thì giáo viên phải thực hiện nghiêm túc và thường xuyên phối hợp với nhà trường và phụ huynh để cùng thực hiện và đạt kết quả tốt.

 

 

+ Chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho trẻ: Các cháu mầm non cơ thể còn yếu ớt, sức đề kháng còn kém và hay đau ốm khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trên miền núi khí hậu thường xuyên thay đổi và lạnh hơn vùng đồng bằng nên các cháu hay bị sốt, đổ mũi, ho… Cháu có một sức khỏe tốt thì mới vui chơi và học tập được. Vì vậy việc chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho trẻ rất quan trọng và đó là nhiệm vụ hàng đầu của giáo viên mầm non. Do đó, giáo viên nên tổ chức cho các cháu ăn uống hợp lý, đúng giờ, đảm bảo vệ sinh và động viên trẻ ăn hết khẩu phần ăn của mình. Lớp Mẫu giáo lớn Tổ 2 Cà Đam đang thực hiện hình thức bán trú dân nuôi nên bản thân tôi thường xuyên trao đổi và hướng dẫn phụ huynh cách chế biến các món ăn đầy đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh cho trẻ.               

Hình 4: Giờ ăn trưa của trẻ

          Ngoài ra giáo viên nên thực hiện tốt khâu vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp, đồ dùng, đồ chơi luôn được vệ sinh sạch sẽ. Giáo viên cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng và ghi chép cân đo cho trẻ, phối hợp với nhà trường và trạm y tế xã tại địa phương để khám sức khỏe định kì cho trẻ.

          Để đạt được mục tiêu của giải pháp này thì giáo viên chủ nhiệm phải là người nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý của từng độ tuổi các cháu trong lớp và những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ từ đó giáo viên mới đưa ra các biện pháp, tổ chức môi trường sinh hoạt phù hợp và kích thích được sự phát triển về thể chất và tinh thần cho trẻ.

           * Giải pháp 6: Cố gắng và thực hiện thật tốt chương trình giáo dục mầm non.

            Chương trình giáo dục mầm non do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành và được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Chương trình được xây dựng để giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một. Vì vậy nhà trường và giáo viên phải thực hiện chương trình giáo dục mầm non một cách nghiêm túc. Giáo viên cần phải đưa ra mục tiêu, nội dung phương pháp giáo dục và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào quá trình tổ chức thực hiện chương trình giáo dục nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện cho trẻ. Giáo viên xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo chủ đề, tuần và ngày trên cở sở hiểu rõ những đặc điểm của trẻ miền núi. Giáo viên là người tổ chức các hoạt động, tạo cơ hội, tình huống, khuyến khích để trẻ tham gia nhiệt tình vào các hoạt động học, vui chơi, khám phá.

         Giáo viên phải sáng tạo trong việc chuẩn bị đồ dùng đồ chơi và chuẩn bị một cách chu đáo nhất, sao cho phù hợp với đề tài mà cô muốn truyền đạt đến trẻ, tạo cơ hội cho trẻ khám phá những đồ dùng đồ chơi một cách triệt để.

Hình 6: Chuẩn bị đồ dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động

          Qua quá trình trẻ tham gia thì giáo viên phải quan sát kĩ và đánh giá trẻ ở cuối ngày, cuối chủ đề vì qua quá trình đánh giá nó thể hiện được chất lượng khi giáo viên thực hiện chương trình giáo dục và điều đó cũng là căn cứ để điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp cho các hoạt động tiếp theo.

         Giáo viên không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững mục tiêu, nội dung của chương trình giáo dục mầm non để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho trẻ ở trường.

       * Giải pháp 7: Thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng tốt cơ sở vật chất của lớp:

       Cơ sở vật chất của lớp là những phương tiện vật chất do nhà trường cung cấp để phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Nó gồm các phòng, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị, sách báo, tài liệu chuyên môn… đó là những điều kiện không thể thiếu được để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và hiệu quả làm việc của giáo viên.

      Quản lý cơ sở vật chất của lớp là xây dựng, bảo quản và sử dụng có hiệu quả trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, nó trợ giúp giáo viên thực hiện tốt công tác chủ nhiệm.

        Đầu năm học, giữa năm và cuối năm giáo viên nên kiểm kê tài sản để xem đồ vật gì hư hỏng cần sửa chữa hay thay thế, hoặc bổ sung để báo cáo với nhà trường để nhà trường kịp thời xử lí.

         Giáo viên nên quản lí tốt cơ sở vật chất của lớp và đồ dùng của trẻ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, hợp vệ sinh, vừa tầm lấy của trẻ và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

        Giáo viên nên phối hợp với phụ huynh làm ra những đồ dùng đồ chơi bằng các phế liệu và làm đồ dùng theo hướng mở để trẻ sáng tạo và kích thích sự khám phá của trẻ để phục vụ cho sinh hoạt và nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ.

        Nếu giáo viên quản lý tốt cơ sở vật chất trong lớp thì sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng và cũng là điều kiện tốt để nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.

 

 

          * Giải pháp 8: Đánh giá trẻ.

           Đánh giá trẻ là quá trình thu thập thông tin về trẻ trong quá trình trẻ cùng cô thực hiện chương trình giáo dục mầm non để so sánh, từ đó điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ một cách phù hợp nhất để nâng cao chất lượng giáo dục. Đánh giá trẻ gồm: Đánh giá hằng ngày, đánh giá theo chủ đề, đánh giá cuối độ tuổi.

          Đánh giá hằng ngày: Giaó viên đánh giá tâm sinh lý trẻ trong các hoạt động hằng ngày nhằm phát hiện những biểu hiện tích cực hay tiêu cực, đánh giá những gì làm được và chưa làm được để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ.

          Đánh giá cuối chủ đề, cuối độ tuổi: Để đánh giá cuối chủ đề và cuối độ tuổi thì giáo viên chủ nhiệm phải sử dụng các phương pháp như: Đàm thoại, quan sát, giao tiếp với trẻ, cho trẻ thực hiện một số bài tập, phân tích sản phẩm… của trẻ để so với mục tiêu giáo dục, kết quả mong đợi của từng độ tuổi. Đánh giá này có tính tổng kết đối với trẻ sau mỗi giai đoạn.

        * Giải pháp 9: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phối hợp với phụ huynh.

        Vì công tác trên miền núi, vùng sâu vùng xa, 100% phụ huynh là người dân tộc Co nên nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng trong chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non còn hạn chế, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, còn một số phong tục của vùng miền nên phụ huynh ít có sự quan tâm đến trẻ. Vì vậy công tác phối hợp với phụ huynh trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ rất cần thiết, đòi hỏi giáo viên phải là người am hiểu về nét văn hóa của địa phương, có lòng kiên nhẫn, tâm huyết thì mới thuận lợi trong việc tuyên truyền và phối hợp.

         Trước hết, giáo viên phải hiểu được tâm lý của phụ huynh miền núi, hầu hết các phụ huynh làm nông, đi rẫy, một số phụ huynh còn sử dụng tiếng Co và chưa rành tiếng phổ thông. Một số phụ huynh còn rụt rè khi tiếp xúc với cô giáo hoặc có thái độ bất cần trong việc phối hợp. Vậy nên giáo viên phải có thái độ cởi mở, gần gũi, thân thiện và thật bình tĩnh giải thích cho họ hiểu được tầm quan trọng của bậc học mầm non và sự phối hợp cùng nhà trường, cô giáo.

          Không chỉ thế, công tác tuyên truyền với phụ huynh cũng hết sức quan trọng. Luôn trao đổi nhẹ nhàng với phụ huynh về tình hình trẻ tại lớp cũng như hỏi thăm tình hình trẻ tại nhà.

Những giờ đón, trả trẻ  tôi tranh thủ trao đổi cùng phụ huynh về cách thức nuôi dạy con khoa học giúp phụ huynh hiểu sâu hơn về sự cần thiết của việc chăm sóc và giáo dục trẻ đồng thời giúp phụ huynh thấy được tầm quan trọng của việc phối hợp với giáo viên trong việc nuôi dạy con giúp trẻ phát triển một cách toàn diện nhất.

          Tổ chức họp phụ huynh một năm 3 lần để báo cáo cho phụ huynh biết những nội quy của nhà trường, lớp, tình hình các cháu, nề nếp tại lớp để lấy ý kiến phụ huynh và cùng nhau trao đổi một cách chân thực nhất.

          Chuẩn bị bảng tuyên truyền những nội dung tuyên truyền theo ngày, tháng để phụ huynh nắm bắt.     

          Mời phụ huynh tham gia một số phong trào, văn nghệ, tham gia dự giờ trong các buổi thao giảng để họ biết rõ hơn một số hoạt động của các cháu tại trường. Bên cạnh đó, giáo viên rất cần sự hổ trợ của phụ huynh trong công tác làm đồ dùng đồ chơi, dọn vệ sinh xung quanh lớp, sân trường.

          Phụ huynh thấy được sự nhiệt tình và sự phát triển của các con thì sẽ dần hiểu ra và tin tưởng vào giáo viên nhiều hơn, từ đó họ mạnh dạn trao đổi, phối hơp với cô giáo để chăm sóc và giáo dục các cháu một cách hoàn thiện nhất, hiệu quả nhất.

Hình 8: Sự phối hợp và hổ trợ của phụ huynh trong công tác xây dựng môi trường lớp học